Add parallel Print Page Options

Gương của Áp-ra-ham

Vậy chúng ta sẽ nói gì về tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta theo phần xác đã được? Vì nếu nhờ vào việc làm mà Áp-ra-ham đã được xưng công chính thì ông có lý do để tự hào; nhưng ông không thể tự hào trước mặt Ðức Chúa Trời được, vì Kinh Thánh đã nói gì?

“Áp-ra-ham tin Ðức Chúa Trời, và vì thế ông được kể là công chính.”Sáng 15:6

Thế thì, đối với người làm việc, tiền công không phải là ơn huệ, nhưng là món nợ chủ phải trả. Nhưng đối với người không cậy vào việc làm, mà chỉ tin vào Ðấng làm cho người có tội được xưng công chính, thì đức tin của người ấy được kể là yếu tố giúp người ấy được xưng công chính. Ðó cũng là điều Ða-vít đã nói về phước hạnh của người được Ðức Chúa Trời kể là công chính mà không nhờ cậy vào việc làm,

“Phước cho người được tha những vi phạm mình, được khỏa lấp những tội lỗi mình.
Phước cho người được Chúa không kể tội của mình.”Thi 32:1-2

Áp-ra-ham Ðược Xưng Công Chính Không Nhờ Phép Cắt Bì

Phải chăng phước hạnh ấy chỉ dành cho những người được cắt bì, hay cũng cho những người không được cắt bì nữa? Vì nếu chúng ta nói rằng,

“Nhờ đức tin mà Áp-ra-ham được kể là công chính,”Sáng 15:6

10 thì nếu vậy, ông ta được kể là công chính như thế nào? Lúc ông đã được cắt bì rồi, hay lúc ông chưa được cắt bì?

Không phải sau khi ông đã được cắt bì đâu, nhưng là trước khi ông được cắt bì. 11 Ông đã nhận dấu cắt bì như một dấu ấn của việc được xưng công chính nhờ đức tin trong khi ông còn là một người chưa được cắt bì, để ông có thể làm tổ phụ của tất cả những người có đức tin dù không được cắt bì, hầu họ cũng được kể là công chính. 12 Cũng vậy, ông là tổ phụ của những người được cắt bì, tức những người không những chỉ được cắt bì nhưng cũng bước theo những bước đức tin mà ông, tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta, đã trải qua trong lúc ông chưa được cắt bì.

Áp-ra-ham Ðược Xưng Công Chính Không Nhờ Vâng Giữ Luật Pháp

13 Vì không phải nhờ vâng giữ Luật Pháp mà Áp-ra-ham hay dòng dõi ông được lời hứa sẽ nhận thế gian làm cơ nghiệp, nhưng là nhờ được xưng công chính bởi đức tin. 14 Vì nếu nhờ vâng giữ Luật Pháp mà được thừa hưởng cơ nghiệp thì đức tin đã trở thành vô ích, và lời hứa đã bị vô hiệu hóa. 15 Vì Luật Pháp sẽ đem cơn thịnh nộ đến với người phạm pháp; và chỉ nơi nào không có Luật Pháp, nơi đó mới không có sự phạm pháp.

16 Thế thì nhờ đức tin tiếp nhận ân sủng mà lời hứa được bảo đảm cho cả dòng dõi của Áp-ra-ham, không những chỉ cho dòng dõi ở dưới Luật Pháp, nhưng cũng cho dòng dõi đức tin của ông nữa. Ông chính là tổ phụ của tất cả chúng ta, (17 như có chép rằng,

“Ta đã lập ngươi làm cha của nhiều dân tộc”Sáng 17:5)

trước mặt Ðức Chúa Trời, Ðấng ông tin có quyền làm cho kẻ chết sống lại và ra lịnh[a] cho những gì chưa hiện hữu trở thành hiện hữu.

Ðức Tin của Áp-ra-ham và Ðức Tin của Chúng Ta

18 Mặc dù Áp-ra-ham[b] không còn gì để hy vọng, ông vẫn hy vọng và vẫn tin rằng ông sẽ trở thành

“Cha của nhiều dân tộc,”Sáng 17:5

theo như lời đã phán với ông rằng,

“Dòng dõi ngươi sẽ đông như thế.”Sáng 15:5

19 Ðức tin của ông không hề suy giảm, mặc dù thân thể ông coi như đã chết, vì lúc ấy ông đã gần một trăm tuổi, và dạ bà Sa-ra không còn thể sinh con.[c] 20 Nhưng đối với lời hứa của Ðức Chúa Trời, ông không hề nao núng đức tin mà nghi ngờ gì cả,[d] nhưng càng tin tưởng mãnh liệt hơn, và như thế đã đem vinh hiển về cho Ðức Chúa Trời. 21 Ông tin quả quyết rằng Ðức Chúa Trời có khả năng làm thành những gì Ngài đã hứa. 22 Vì thế ông đã được kể là người công chính.

23 Nhưng khi viết rằng, “ông đã được kể là người công chính,” thì điều ấy không những chỉ nói về một mình ông, 24 nhưng cũng nói về chúng ta nữa. Chúng ta cũng sẽ được kể là những người công chính khi chúng ta tin Ðấng đã làm cho Ðức Chúa Jesus, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại. 25 Ngài đã bị nộp để chết vì tội chúng ta và đã được làm cho sống lại, để chúng ta được xưng công chính.

Footnotes

  1. Rô-ma 4:17 nt: gọi
  2. Rô-ma 4:18 nt: ông ấy
  3. Rô-ma 4:19 nt: như đã chết
  4. Rô-ma 4:20 nt: vô tín

Gương Của Áp-ra-ham

Vậy chúng ta sẽ nói làm sao về việc Áp-ra-ham, tổ chúng ta theo phần xác, ông đã tìm thấy gì? Vì nếu Áp-ra-ham được tuyên xưng công chính bởi việc làm thì người có cớ để khoe khoang; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy. Vì Kinh Thánh nói gì? “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và vì thế được kể là công chính.”

Đối với người làm việc thì tiền công không được kể là ơn mà phải kể là nợ; còn đối với người không làm nhưng chỉ tin vào Đấng xưng công chính kẻ vô đạo thì đức tin của người ấy được kể là công chính. Ngay vua Đa-vít cũng nói như vậy về phước hạnh của người mà Đức Chúa Trời kể là công chính không bởi việc làm:

“Phước cho người
    Được tha vi phạm,
    Được khỏa lấp tội lỗi;
Phước cho những ai
    Mà Chúa sẽ chẳng bắt tội.”[a]

Vậy phước lành này chỉ ban cho người chịu cắt bì thôi hay cũng cho cả người không chịu cắt bì nữa? Vì chúng ta nói: “Bởi đức tin Áp-ra-ham được kể là công chính.”[b] 10 Vậy người được kể là công chính như thế nào? Sau khi đã chịu cắt bì hay trước khi chịu cắt bì? Không phải sau mà là trước khi chịu cắt bì. 11 Người đã nhận dấu cắt bì là dấu ấn cho sự công chính bởi đức tin mà người đã có khi chưa chịu cắt bì. Như vậy, Áp-ra-ham trở thành cha mọi người tin mà không cắt bì và họ cũng được kể là công chính, 12 và cũng làm cha những người chịu cắt bì, là những người không phải chỉ chịu cắt bì thôi nhưng cũng bước theo dấu chân đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham chúng ta khi người chưa chịu cắt bì nữa.

Lời Hứa Thực Hiện Qua Đức Tin

13 Vì lời hứa cho Áp-ra-ham hay cho dòng dõi người rằng người sẽ thừa hưởng thế giới không phải bởi tuân giữ Kinh Luật nhưng bởi sự công chính đến từ đức tin. 14 Vì nếu nhờ tuân giữ Kinh Luật mà thừa hưởng cơ nghiệp thì đức tin thành vô ích, và lời hứa trở nên vô hiệu lực. 15 Vì Kinh Luật gây ra thịnh nộ, ở đâu không có Kinh Luật thì cũng không có sự vi phạm.

16 Cho nên bởi đức tin thì lời hứa mới dựa trên ân sủng và được bảo đảm cho toàn thể dòng dõi, không phải chỉ cho dòng dõi sống theo Kinh Luật mà cho cả dòng dõi có đức tin như Áp-ra-ham, tổ phụ của tất cả chúng ta, 17 như Kinh Thánh chép: “Ta đã lập ngươi làm cha nhiều dân tộc.”[c] Trước mặt Đức Chúa Trời, Đấng người đã tin, Đấng làm cho kẻ chết sống lại và định những điều chưa có như có rồi.[d]

18 Người vẫn tin trong hy vọng dù không còn gì để hy vọng, nên người trở thành cha của nhiều dân tộc như lời đã phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế;” 19 người không giảm sút đức tin khi thấy thân thể mình cũng như dạ bà Sa-ra như đã chết, vì người đã gần một trăm tuổi; 20 Người không vì lòng vô tín mà nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng được mạnh mẽ trong đức tin tôn vinh Đức Chúa Trời 21 và hoàn toàn tin chắc rằng điều gì Đức Chúa Trời đã hứa thì Ngài cũng có đủ quyền năng làm được. 22 Vì thế người được kể là công chính. 23 Câu: “người được kể là công chính” không phải được ghi lại chỉ vì một mình người mà thôi, 24 nhưng cũng vì chúng ta nữa, những người Ngài sẽ kể là công chính, là những người tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, từ chết sống lại, 25 Ngài bị nộp cho chết vì tội lỗi chúng ta và được làm cho sống lại để chúng ta được xưng công chính.

Footnotes

  1. 4:8 Thi 32:1-2
  2. 4:9 Sáng 15:6
  3. 4:17 Sáng 17:5
  4. 4:17 Ctd: khiến cái chưa hiện hữu thành hiện hữu

Dùng Áp-ra-ham làm dẫn chứng

Chúng ta có thể nói Áp-ra-ham, tổ tiên của dân tộc ta, đã học được gì về đức tin? Nếu Áp-ra-ham được hòa thuận với Thượng Đế nhờ những điều ông làm thì ông sẽ có lý do chính đáng để khoe. Nhưng Áp-ra-ham không thể tự khoe trước Thượng Đế. Vì Thánh Kinh viết, “Áp-ra-ham đặt niềm tin nơi Thượng Đế, Ngài chấp nhận niềm tin của ông và niềm tin ấy khiến ông hòa thuận lại với Ngài.” [a]

Ai làm việc thì lương bổng không thể xem là quà biếu mà là tiền công của mình. Nhưng con người không thể làm cách nào để hòa thuận lại với Thượng Đế được. Nên con người phải trông cậy vào Thượng Đế là Đấng có thể khiến cho kẻ ác hòa thuận lại với Ngài. Thượng Đế sẽ chấp nhận đức tin của họ, nhờ đó họ được hòa thuận lại với Ngài. Đa-vít cũng đã nói tương tự như thế. Ông bảo rằng ai được hòa thuận với Thượng Đế, nghĩa là được Ngài tha thứ những tội lỗi của mình, thật có phúc.

“Phúc cho người nào được xóa hết tội,
    bao nhiều việc phạm pháp đều được tha thứ.
Phúc cho kẻ mà Chúa không kết tội.” (A)

Có phải phúc lành nầy chỉ dành cho người được cắt dương bì thôi hay là cũng dành cho người không được cắt dương bì nữa? Chúng ta đã nói rằng Thượng Đế chấp nhận niềm tin của Áp-ra-ham và chính niềm tin ấy khiến ông hòa thuận lại với Ngài. 10 Ông được hòa thuận ra sao? Thượng Đế chấp nhận Áp-ra-ham trước khi ông chịu phép cắt dương bì hay là sau?—Trước khi ông chịu phép cắt dương bì. 11 Áp-ra-ham chịu cắt dương bì để chứng tỏ ông đã hòa thuận lại với Thượng Đế vì ông tin Ngài trước khi chịu cắt dương bì. Cho nên Áp-ra-ham trở nên cha của những người tin nhưng không được cắt dương bì; ông là cha của mọi tín hữu đã hòa thuận lại với Thượng Đế. 12 Áp-ra-ham cũng đồng thời là cha của những người đã chịu cắt dương bì và sống theo niềm tin mà Áp-ra-ham, tổ tiên chúng ta đã có trước khi chịu cắt dương bì.

Thượng Đế giữ lời hứa của Ngài

13 Áp-ra-ham và dòng dõi ông đã nhận lời hứa rằng sản nghiệp của họ sẽ gồm toàn thế giới. Ông nhận lời hứa ấy không nhờ luật pháp mà nhờ giảng hòa lại với Thượng Đế qua đức tin. 14 Nếu chúng ta có thể nhận được lời hứa của Thượng Đế bằng cách tuân giữ luật pháp thì đức tin trở nên vô ích. Lời hứa của Thượng Đế cho Áp-ra-ham cũng vô ích, 15 Vì luật pháp chỉ đưa đến cơn thịnh nộ của Thượng đế mà thôi. Nhưng nơi nào không có luật pháp thì cũng không có việc phạm pháp.

16 Cho nên chúng ta nhận được lời hứa của Thượng Đế qua đức tin. Lời hứa ấy trở thành một quà tặng, mà tất cả con cháu Áp-ra-ham đều có thể nhận. Lời hứa ấy không phải dành cho những người sống dưới luật pháp Mô-se mà là cho những người sống trong đức tin như Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta. 17 Như Thánh Kinh viết, “Ta lập ngươi làm cha của nhiều dân tộc.” [b] Điều nầy được thực hiện trước mặt Thượng Đế vì Áp-ra-ham tin cậy Ngài là Đấng ban sự sống cho kẻ chết và đã sáng tạo mọi vật từ chỗ hư vô.

18 Áp-ra-ham không hi vọng có con cái nối dòng, nhưng ông tin cậy Thượng đế và vẫn nuôi hi vọng, nên ông đã trở thành cha của nhiều dân tộc. Đúng như Thượng Đế đã bảo, “Dòng dõi ngươi sẽ đông không thể đếm được.” [c] 19 Lúc ấy Áp-ra-ham đã gần một trăm tuổi, quá tuổi bình thường để có con, còn Sa-ra thì không thể nào sinh con được. Áp-ra-ham lo âu về điều ấy nhưng niềm tin của ông nơi Thượng Đế vẫn không lay chuyển. 20 Ông không bao giờ hoài nghi rằng Thượng Đế sẽ không giữ lời hứa của Ngài, trái lại ông nắm chắc niềm tin. Ông vững tin hơn và ca ngợi Thượng Đế. 21 Áp-ra-ham tin chắc rằng những gì Ngài hứa thì Ngài cũng có quyền thực hiện được. 22 Cho nên “Thượng Đế chấp nhận đức tin của Áp-ra-ham, và đức tin ấy khiến ông hòa thuận lại với Ngài.” [d] 23 Câu “Thượng Đế chấp nhận đức tin của Áp-ra-ham” không phải chỉ viết cho ông mà thôi 24 mà còn cho chúng ta nữa. Thượng Đế sẽ chấp nhận chúng ta vì chúng ta tin nơi Đấng đã khiến Giê-xu, Chúa chúng ta, sống lại từ kẻ chết. 25 Chúa Giê-xu đã chịu chết vì tội chúng ta, Ngài đã sống lại để chúng ta được hòa thuận lại với Thượng Đế.

Footnotes

  1. Rô-ma 4:3 Áp-ra-ham … với Ngài Sáng 15:6.
  2. Rô-ma 4:17 Ta lập … dân tộc Sáng 17:5.
  3. Rô-ma 4:18 Dòng dõi … đếm được Sáng 15:5.
  4. Rô-ma 4:22 Thượng Đế … với Ngài Sáng 15:6.